Người làm chứng
(Ecolaw.vn) - Người làm chứng (hay còn gọi là nhân chứng) là một khái niệm pháp lý để chỉ người biết về các tình tiết có liên quan đến nội dung cần giải quyết trong một vụ án.
Để làm rõ sự thực khách quan của vụ án, Toà án có thể và có quyền triệu tập người “biết về các tình tiết” đó tham gia tố tụng (tức là tham gia vào quá trình giải quyết vụ án) với tư cách là “người làm chứng”.
Như vậy, có thể thấy tư cách “người làm chứng” của một người chỉ được chính thức xác định khi người này được Tòa án triệu tập tham gia tố tụng.
Chính vì người làm chứng là người biết về các tình tiết trong vụ án, nên trong nhiều trường hợp chính các đương sự (nguyên đơn, bị đơn … – trong vụ án dân sự, bị can, bị cáo, bị hại … - trong vụ án hình sự) có thể yêu cầu tòa triệu tập người do mình chỉ định tham gia tố tụng với tư cách là “người làm chứng” – nhằm mục đích làm sáng tỏ những vấn đề có lợi cho mình.
Điều này cũng có nghĩa là chúng ta cần chủ động tìm người làm chứng, chứ không nên chỉ trông chờ vào việc để tòa án “tự động” triệu tập. Vì Tòa đâu thể biết hết mọi việc, trong khi luật qui định nghĩa vụ chứng minh – tức là nghĩa vụ làm sáng tỏ sự thật – thuộc về chúng ta (đương sự).
Ví dụ : Trong một vụ tranh chấp về mua bán hàng. Công ty của bạn bị khách hàng kiện là đã giao hàng không đúng giờ, gây thiệt hại cho họ. Trong khi đó, thực tế là công ty bạn đã giao hàng đúng thời hạn thông qua một công ty vận tải. Trong trường hợp này, công ty bạn có thể yêu cầu tòa án tập người lái xe của công ty vận tải - là người đã trực tiếp giao hàng cho khách hàng đúng giờ, tham gia tố tụng với tư cách là “người làm chứng”. Lời khai của người này chắc chắn sẽ góp phần chứng minh công ty bạn đã giao hàng đúng giờ.
Các nhân chứng ( người làm chứng) tại một phiên tòa hình sự ở Hà Nội ( ảnh minh họa, nguồn : internet)
Chúng ta cũng cần phân biệt khái niệm “người làm chứng” trong vụ án dân sự với “người làm chứng” trong vụ án hình sự. Vì hai “người làm chứng” này có quyền và nghĩa vụ khác nhau “một chút”. Nhưng chính sự khác biệt “một chút” đó lại rất quan trọng và cần lưu ý.
Đó là trong vụ án dân sự người làm chứng có thể và có quyền từ chối khai báo những điều mà mình biết thì ngược lại trong vụ án hình sự, nếu người làm chứng từ chối khai báo hoặc khai báo không đúng thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự !
Cụ thể,
* Người làm chứng trong vụ án dân sự có các quyền, nghĩa vụ cơ bản sau:
- Cung cấp những thông tin, tài liệu, đồ vật mà mình có được có liên quan đến việc giải quyết vụ án. Khai báo trung thực những tình tiết mà mình biết được.
- Được từ chối khai báo nếu lời khai của mình liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật đời tư hoặc việc khai báo đó có ảnh hưởng xấu, bất lợi cho đương sự là người có quan hệ thân thích với mình.
- Bồi thường thiệt hại và chịu trách nhiệm trước pháp luật do những lời khai báo sai sự thật gây thiệt hại cho đương sự hoặc cho người khác.
* Người làm chứng trong vụ án hình sự có các quyền, nghĩa vụ cơ bản sau:
- Yêu cầu cơ quan triệu tập họ bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình khi tham gia tố tụng.
- Có mặt theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án; trong trường hợp cố ý không đến mà không có lý do chính đáng và việc vắng mặt gây trở ngại cho việc điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải;
- Khai trung thực tất cả những tình tiết mà mình biết về vụ án.
- Người làm chứng từ chối hoặc trốn tránh việc khai báo mà không có lý do chính đáng, thì phải chịu trách nhiệm hình sự ( về các tội : Từ chối khai báo, từ chối cung cấp tài liệu hoặc khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật).
( Theo Bộ luật tố tụng dân sự & Bộ luật tố tụng hình sự)