Nguyễn Minh Tuấn Đại tướng
Giới tính : Tuổi : 33 Tham gia : 21/02/2011 Bài viết : 1723 Số tiền : 3510 Được like : 231 School : HCM University of law Ngành : Luật học Học lớp: : Hình sự 34A TÀI SẢN Huân chương:
| Tiêu đề: Những khó khăn và thách thức trong thực hiện chức năng giám sát của Quốc hội Việt Nam Thu Sep 22, 2011 2:56 pm | |
| Những khó khăn và thách thức trong thực hiện chức năng giám sát của Quốc hội Việt Nam Như đã nói, Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1946 đã quy định Quốc hội có chức năng giám sát. Những quy định về chức năng giám sát của Quốc hội qua các lần thay đổi Hiến pháp vẫn được giữ nguyên. Nguyên lý cũng như các hình thức thực hiện chức năng giám sát của Quốc hội Việt Nam cũng gần giống như của Quốc hội các nước theo chế định đại nghị: Chính phủ do Quốc hội thành lập, Chính phủ phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội, có thể bị Quốc hội giám sát bằng các hình thức như nghe báo cáo, chất vấn, thành lập các đoàn kiểm tra, bỏ phiếu bất tín nhiệm các thành viên của Chính phủ. Nhưng so với chức năng giám sát của các chế độ chính trị phương tây, thì chức năng giám sát Quốc hội Việt Nam có nhiều điểm khác biệt. Những điểm khác biệt này cũng chính là những biểu hiện về các khó khăn, thách thức khi thực hiện chức năng giám sát của Quốc hội Việt Nam: - Thứ nhất, khó khăn lớn nhất, có tính chất bao trùm, là bộ máy nhà nước ở Việt Nam không được tổ chức theo nguyên tắc phân quyền, mà theo nguyên tắc tập quyền, với một đảng cầm quyền lãnh đạo, không có đảng đối lập để có thể thường xuyên thực hiện chức năng giám sát của Quốc hội. Hơn nữa, chức năng này được Hiến pháp Việt Nam quy định là giám sát tối cao, đối với hoạt động của toàn bộ bộ máy nhà nước, từ Chính phủ, cho đến nguyên thủ quốc gia, rồi Viện kiểm sát cho đến Tòa án nhân dân tối cao. Việc giám sát như vậy là quá nhiều các đối tượng, chủ thể bị giám sát, phạm vi giám sát quá rộng, không thấy trọng tâm của việc giám sát Chính phủ - hành pháp. Giám sát của Quốc hội Việt Nam còn được quy định cho cả giám sát hoạt động xét xử của Tòa án, nên Quốc hội càng ngày càng có xu hướng can thiệp vào từng vụ án cụ thể. Đây là một loại hình giám sát không có ở các Nhà nước hiện đại. Hoạt động giám sát của Quốc hội Việt Nam mặc dù đã có những thành công nhất định, nhất là qua các hoạt động chất vấn sôi động trong những năm vừa qua, nhưng hoạt động chất vấn cũng như các hoạt động khác của chức năng giám sát của Quốc hội Việt Nam mới chỉ dừng lại ở những cảnh báo, không có khả năng áp dụng chế tài của giám sát, làm cho hiệu quả hoạt động giám sát không cao. Người có trách nhiệm thường chỉ hứa hẹn nhiều, thậm chí còn có hiện tượng đổ lỗi cho nhau với lý do trách nhiệm không được phân định rõ ràng, chồng chéo lên nhau, nên công tác quản lý bộ, ngành vẫn ít biến chuyển. Cho đến nay, Quốc hội Việt Nam chưa bỏ phiếu bất tín nhiệm được một ai trong thành viên của Chính phủ hành pháp, vì thay đổi nhân sự cơ bản là công việc của Đảng cầm quyền. Nguyên tắc của chúng ta là trong mọi trường hợp phải bảo vệ sự lãnh đạo cao nhất của Đảng cầm quyền. Thực hiện tốt nguyên tắc này thì dễ có nguy cơ đánh mất tính hiệu quả của giám sát và ngược lại. Đảng cầm quyền vừa lãnh đạo để thông qua các chủ trương, lại vừa lãnh đạo việc giám sát thực hiện chủ trương đã được thông qua, nên thực hiện việc giám sát theo đúng tính chất của giám sát là việc làm không dễ dàng. - Thứ hai, kỹ năng, nguồn lực, phương tiện hỗ trợ cho hoạt động giám sát còn yếu và thiếu… Hoạt động giám sát cũng như các hoạt động khác của Quốc hội cần những đòi hỏi rất nghiêm ngặt, những kỹ năng đặc biệt. Các kỹ năng đó cần phải có thời gian mới có thể định hình. Quốc hội Việt Nam, với 65 năm hoạt động mà hơn một nửa thời gian diễn ra trong thời kỳ chiến tranh, các kỹ năng tranh luận, các kỹ năng lập pháp, giám sát của Quốc hội còn yếu, còn thiếu là một lẽ đương nhiên. Để bổ khuyết vấn đề này, cần phải tăng cường các khóa học hoặc tập huấn về kỹ năng giám sát cho các đại biểu Quốc hội… Kết luận Giám sát đang trở thành một chức năng quan trọng của Quốc hội tất cả các nước trên thế giới. Quốc hội Việt Nam muốn tăng cường quyền lực thực sự của mình thì phải tăng cường và phải biết cách thực hiện chức năng này. Đó là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Quốc hội Việt Nam trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, và vì dân hiện nay. Để thực hiện chức năng này một cách tốt hơn và có hiệu quả hơn, Quốc hội nên tập trung thực hiện chức năng này ở các Hội đồng và các Ủy ban của Quốc hội, với đối tượng giám sát chính là hành pháp, bao gồm các bộ, ngành, giảm các hoạt động giám sát các cấp chính quyền địa phương, và nhất là các cơ quan tư pháp, với mục tiêu là cảnh báo, trì hoãn và thay đổi thành phần của của cơ quan hành pháp. | |
|