Thực tiễn Hoạt động giám sát của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội
Theo khoản 2, Điều 84 Hiến pháp năm 1992 và Luật tổ chức Quốc hội thì thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội là một trong những nhiệm vụ, quyền hạn quan trọng của Quốc hội nước ta.
Giám sát tối cao của Quốc hội là giám sát mang tính quyền lực nhà nước. Đây là một khâu, một yếu tố cấu thành quyền lực nhà nước, ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam “ tất cả quyền nhà nước thuộc về nhân dân” và “nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước thông qua Quốc hội và hội đồng nhân dân là những cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân”. Vì thế, thực hiện quyền giám sát tối cao chính là Quốc hội thay mặt nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước do chính nhân dân giao cho.
Quyền giám sát của Quốc hội là quyền giám sát tối cao. Hay nói cách khác, Quốc hội là cơ quan duy nhất được nhân dân giao cho thực hiện quyền giám sát tối cao. Tính chất giám sát tối cao của Quốc hội trong bộ máy nhà nước “Quốc hội là cơ quna đại biểu cao nhất cảu nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”
Giám sát tối cao là quyền của Quốc hội, tính tối cao của quyền đó thể hiện trên một số điểm sau đây:
- Đối tượng chịu sự giám sát tối cao là Chủ tịch nước, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
- Nội dung của quyền giám sát bao gồm: Một là, theo dõi, kiểm tra tính hợp hiến, hợp hiến, hợp pháp đối với các văn bản qui phạm pháp luật và các hoạt động của Chủ tịch nước, Chính phủ, Toà nhân dân tối cao,Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Hai là, xử lý những hành vi vi phạm Hiến pháp và luật bằng các chế tài như bãi nhiệm, miễn nhiệm những chức vụ cao cấp nhất trong bộ máy nhà nước, đình chỉ hoặc bãi bỏ các văn bản trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết khi xét thấy cần thiết.
Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao thông qua việc xem xét báo cáo của Chủ tịch nước, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thông qua hoạt động giám sát của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội; thực hiện quyền chất vấn của đại biểu Quốc hội; kiểm tra thực tế việc tuân theo Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết khi xét thấy cần thiết; xem xét việc khiếu nại, tố cáo của công dân tại các kỳ họp Quốc hội.
Hậu quả giám sát tối cao của Quốc hội có thể là đình chỉ, huỷ bỏ những văn bản do các cơ quan cấp trên ban hành trái Hiến pháp, luật, pháp lệnh và nghị quyết của Quốc hội hay Uỷ ban thường vụ Quốc hội; bãi nhiệm, miễn nhiệm các chức vụ Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm soát nhân dân tối cao.
Uỷ ban thường vụ Quốc hội, cơ quan thường trực của Quốc hội giám sát thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ quốc hội, giám sát hoạt động của Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội thực hiện quyền giám sát trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn do luật định; khi cần thiết Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội cử các thành viên của mình đến cơ quan, tổ chức để điều tra xem xét về vấn đề mà Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban quan tâm.