Giải pháp bảo đảm quyền lực nhà nước thực sự thuộc về nhân dan
(QT) - Bảo đảm nguyên tắc “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” là nội dung cơ bản nhất của dân chủ xã hội chủ nghĩa, thừa nhận quyền tự do, bình đẳng của công dân, thừa nhận nhân dân là chủ thể của quyền lực và được thể chế hóa thành các quy định mang tính pháp lý, thành nguyên tắc tổ chức và vận hành của nhà nước. Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách đổi mới về kinh tế, chính trị, xã hội, từng bước phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nhờ đó đã đạt được những thành tựu to lớn trong sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, nhìn chung trong thực tiễn quyền làm chủ của nhân dân chưa được coi trọng đúng mức, còn bị vi phạm ở nhiều nơi, trên nhiều lĩnh vực; tệ quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, sách nhiễu, gây phiền hà cho dân chưa được đẩy lùi; không ít hiện tượng mất dân chủ, dân chủ hình thức, dân chủ không đi liền với kỷ luật và pháp luật; cơ chế và pháp luật đảm bảo quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân chưa được cụ thể hóa đầy đủ. Mặt khác, hiện nay nhiều vấn đề công khai minh bạch cũng còn đang hạn chế.
Thí dụ: công khai minh bạch tài sản của cán bộ, công chức nhưng chỉ công khai trong phạm vi hẹp; nhiều chính sách đãi ngộ, chính sách cán bộ từng cấp khác nhau chưa được phổ biến rộng rãi... Vì vậy vấn đề “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” thực hiện khó đầy đủ, vì họ không biết làm sao mà bàn, làm sao mà kiểm tra.
Thực tiễn chứng minh, những năm gần đây có một số cán bộ lãnh đạo, kể cả cán bộ cấp Ủy viên Trung ương bị kỷ luật vẫn đưa lên thông tin đại chúng. Những việc làm ấy của Trung ương lúc đầu cũng có nhiều luồng tư tưởng khác nhau: “có nên”, “không nên”, nhưng đại đa số cho rằng Trung ương làm như vậy là hợp lý, chính làm như vậy vừa bảo vệ, vừa nâng cao uy tín của cán bộ, còn che đậy thì dư luận sẽ bàn tán theo cảm giác của mình và sẽ bất lợi cho Đảng, cho danh dự, uy tín của cán bộ. Việc làm ấy của Trung ương đã hợp với lòng dân. Kỳ họp thứ 32 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương công khai 45 vụ việc cũng đã thể hiện ý Đảng lòng dân.
Chúng ta vừa tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011- 2016, vấn đề quan trọng là làm sao phải đảm bảo quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, làm sao phải công khai minh bạch, nói thẳng nói thật, dọn đường cho đất nước thẳng tiến trên đường đổi mới, đẩy nhanh sự nghiệp CNH, HĐH.
Trước hết, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đủ năng lực, phẩm chất, thực sự là công bộc của dân. Hiện nay, trong điều kiện mới, Đảng và Nhà nước cần đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức có đạo đức cách mạng, phẩm chất năng lực và phong cách công tác gần dân, hiểu dân, học dân; là người am hiểu chính sách, pháp luật, có liên hệ mật thiết với nhân dân, có tinh thần, trách nhiệm, bao dung, thực sự tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, làm cho dân biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm.
Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, rõ ràng, minh bạch, thể hiện đúng ý chí, lợi ích, nguyện vọng và quyền lực của dân, thực sự bảo vệ được các quyền của công dân. Đó là điều kiện quan trọng để nhân dân kiểm soát quyền lực và đội ngũ công bộc của mình, tạo điều kiện thuận lợi cho những cán bộ, công chức thực sự của dân, phát huy được vai trò, trách nhiệm trong phục vụ nhân dân và để đào thải những cán bộ đi ngược lại quyền lợi của nhân dân, bảo đảm trật tự kỷ cương xã hội, cuộc sống bình yên, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.
Đồng thời, phải nâng cao vai trò giám sát của nhân dân đối với quyền lực nhà nước. Vì trong thực tế, sự giám sát của nhân dân đối với quyền lực nhà nước chưa đạt kết quả như mong muốn, chưa phát huy hết vai trò to lớn của nhân dân. Vẫn còn nhiều bất cập, bức xúc trong nhận thức, tính chủ động, sáng tạo, tính chính trị của nhân dân, phương thức nhân dân thực hiện quyền giám sát còn nhiều lúng túng.
Để khắc phục tình trạng này, cần phải xây dựng cơ chế đồng bộ thực hiện quyền lực của dân; cơ chế minh bạch, công khai về quyền lực nhà nước phục vụ nhân dân tốt hơn. Giải quyết tốt vấn đề quyền và nghĩa vụ công dân. Chỉ khi nào người dân tự ý thức được quyền cũng như nghĩa vụ công dân của mình lúc đó dân chủ hóa mới được thực thi trong xã hội và xã hội mới thực sự trở thành xã hội dân sự. Vì vậy, Nhà nước có trách nhiệm trong việc nâng cao sự hiểu biết, ý thức tôn trọng và tuân thủ pháp luật của người dân, giúp và tạo điều kiện cho họ rèn luyện thói quen sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
Vấn đề cốt lõi hiện nay là muốn thực hiện quyền làm chủ của nhân dân thì phải nâng cao dân trí. Nâng cao dân trí để giúp cho nhân dân hiểu đúng về chính sách, pháp luật, để thực hiện quyền làm chủ, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của mình, đồng thời hiểu rõ trách nhiệm, nghĩa vụ và tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện của cán bộ, đảng viên. Dân trí được nâng lên thì nhân dân mới có khả năng, sáng kiến tham gia xây dựng Nhà nước, đóng góp ý kiến bổ sung chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước.
Muốn nâng cao dân trí, Nhà nước cần có chiến lược phát triển giáo dục một cách toàn diện, vừa bảo đảm trang bị những kiến thức cơ bản cần thiết cho con người, vừa chú trọng phát triển giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chấm dứt tình trạng thất học, mù chữ.
Giáo dục ý thức, quan điểm tư tưởng, lập trường vững vàng cho nhân dân. Tránh tình trạng dễ bị lôi kéo, mua chuộc dẫn đến tự do vô chính phủ. Từng bước xây dựng văn hóa pháp luật cho các tầng lớp nhân dân và cả người thực thi quyền lực nhà nước nhằm tạo tiền đề tốt cho việc thực hành, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân.
Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Là người chủ xã hội, cho nên nhân dân không chỉ có quyền mà còn có trách nhiệm tham gia hoạch định, thi hành các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Quyền làm chủ của dân ngày càng được phát huy, sẽ tạo động lực trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng, củng cố hệ thống chính trị.