Một số vấn đề vướng măc cần khắc phục để nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát của Quốc hội.
Trong những năm qua, bằng các hình thức giám sát phong phú như xem xét báo cáo của các cơ quan hữu quan, chất vấn và trả lời chất vấn, tổ chức các đoàn đi giám sát ở địa phương, cơ quan…, các hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã góp phần quan trọng vào việc bảo đảm thi hành Hiến pháp, pháp luật, thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, hiệu lực, hiệu quả giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội còn có hạn chế. Kết quả giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội mới chỉ dừng lại ở kiến nghị, trong khi đó nhiều kiến nghị chưa được các cơ quan có trách nhiệm xem xét và thực hiện nghiêm túc. Do đó, tình trạng vi phạm pháp luật vẫn còn, việc tham nhũng, buôn lậu có chiều hướng gia tăng. Việc giám sát công tác điều tra, truy tố xét xử và thi hành án chưa làm nhiều. Nhiều hành vi vi phạm pháp luật chưa được ngăn chặn và xử lý kịp thời, chưa đáp ứng được yêu cầu và nguyện vọng của nhân dân, thực tế này đòi hỏi cần làm rõ hơn nữa nội dung, cơ chế đối tượng và phương thức giám sát; phải tăng cường giám sát tại các kỳ họp Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội phải tập chung nhiều hơn nữa vào các hoạt động giám sát của mình; đồng thời phải xác định rõ trách nhiệm của mình các cơ quan trong việc nghiên cứu, tiếp thu các kiến nghị, kết luận quyết định của các cơ quan có thẩm quyền giám sát. Có như vậy thì mới từng bước khắc phục tính hình thức trong hoạt động giám sát nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu cuộc sống và mong muốn của nhân dân.
Từ thực tiễn hoạt động giám sát của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội trong thời gian quan. Có thể nêu ra một số giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả giám sát như sau:
1- Cần sớm ban hành luật về hoạt động giám sát của Quốc hội quy định rõ về thẩm quyền, phạm vi, đối tượng, trình tự, thủ tục, cơ chế giám sát và thẩm quyền của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội, trong quá trình thực hiện quyền giám sát của mình, đồng thời quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc tiếp thu, xử lý và trả lời các kiến nghị giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội;
2- Cần xây dựng chương trình giám sát cả năm và từng quí từng tháng chương trình giám sát phải bám sát vào tình hình thực tế đất nước, vào nghị quyết của Quốc hội, vào các văn bản pháp luật và những vấn đề bức xúc đặt ra trong từng giai đoạn
3- Tăng cường vai trò chỉ đạo, điều hoà, phối hợp hoạt động của Uỷ ban thường vụ Quốc hội dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội trong hoạt động giám sát (trong việc nghe báo cáo và cử đoàn đi giám sát). Uỷ ban thường vụ Quốc hội cần thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của mình là cơ quan thường trực giữa hai kỳ họp và được Quốc hội uỷ quyền đối với việc quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, vấn đề ngân sách nhà nước, giám sát việc triển khai các vấn đề quan trọng mà nghị quyết của Quốc hội hàng năm đã đề ra.
4- Tăng cường và nâng cao hiệu quả giám sát việc ban hành văn bản của Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Cải tiến cách thức trả lời chất vấn của cử tri và việc giải quyết kiến nghị của cử tri tại kỳ họp.
5- Tăng cường công tác giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân đồng thời với việc xây dựng chế độ trách nhiệm và cơ chế phối hợp đối với công tác này nhằm giảm bớt tình trạng đơn thư chuyển vòng vèo hoặc không có hồi âm nhân dân đặt lòng tin ngày càng cao vào các cơ quan quyền lực, cơ quan dân cử;
6- Cần nghiên cứu về tổ chức bộ máy phục vụ trực tiếp cho hoạt động giám sát của Quốc hội như các công cụ giám sát về ngân sách, về kinh tế - xã hội, cơ quan kiểm toán, cơ quan kinh tế, cơ quan thanh tra Quốc hội…để hoạt động giám sát ngày càng có hiệu lực hơn.